Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Làm gì để có 3 tỉ bây giờ

Hôm nay Philéas 15 tháng tuổi. 

Hôm qua khi mẹ đi làm, bà Nga đưa con xuống tầng 1 chơi và mẹ phải lấy khẩu trang che mặt sợ con nhìn thấy con sẽ đòi mẹ. Bà Nga là hàng xóm của gia đình mẹ ở dưới quê. Bây giờ bà đã xây được một cái nhà rất to ở Hà Nội. Năm ngoái con bà Nga trượt đại học và năm nay phải ôn thi đại học trở lại. Bà ngoại con đã về hưu nhưng bà dạy môn toán rất tốt nên thường hàng xóm, đồng nghiệp của bố hay gửi gắm con cái đến học bà ngoại mình. Trước khi con chưa ra đời bà ngoại đã dạy học rất nhiều, nhưng giờ bà chỉ ở nhà chăm con thay mẹ. Vì mẹ đang cần phải phấn đấu kiếm tiền, mặc dù bà ngoại bảo mẹ cứ ở nhà có khi bà ngoại kiếm được nhiều tiền hơn mẹ :) Bây giờ bà con không dạy học gì cả, chỗ thân tình bà Nga nài nỉ mãi và biện pháp đưa ra là khi nào bà ngoại con dậy cho cô Trang thì bà Nga sẽ trông con. Thế là mỗi sáng bà Nga nấu sẵn cơm, đưa cô Trang sang nhà bà ngoại học, trông con thay bà ngoại, rồi lại đưa cô Trang về. Trong kỳ thi đại học này, sẽ có biết bao nhiêu ông bố bà mẹ lo cho con cái mình như thế?

Cả hai đứa con của bà Nga đều học hành không được như nguyện vọng. Theo mẹ được biết thì trước đó ông bà cũng rất vất vả kiếm tiền nuôi con ăn học, mua nhà cửa, rồi đến khi mọi thứ đủ đầy, quay lại lo lắng cho con, cũng sẽ biết là hơi muộn. 

Mẹ nhớ trước kia ông bà ngoại con cũng thế, cũng lao tâm khổ tứ, làm việc quần quật để gom góp từng đồng tiền mua đất cát, nhà cửa. Cũng có những khi, ở giai đoạn trưởng thành của một con người, mẹ đã cảm giác mình thiếu thốn sự thấu hiểu nội tâm bên trong con người từ phía gia đình. Tất nhiên, ông bà luôn thương yêu và quan tâm đến mẹ, đến dì Tú, nhưng nhiều khi mẹ vẫn luôn cảm giác bị thiếu những điều quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất của con người. Sau rất nhiều năm, để khám phá ra con người mình, mẹ đã phải tự làm điều đó, và may thay, trong quá trình đó, mẹ cũng hiểu và thông cảm cho ông bà ngoại rất nhiều. Ông bà ngoại suốt một đời chỉ biết sống vì con vì cháu, thật ra, mẹ chỉ mong muốn giá một lần ông bà sống vì bản thân ông bà một chút, có khi mẹ lại thấy hạnh phúc hơn. Vì mẹ biết, ông bà không quen nhận mà chỉ quen cho đi. Mà đôi khi, lại cho đi theo cách của ông bà. 

Có người hỏi bố mẹ sẽ nuôi dạy con như thế nào? Chắc là mẹ sẽ tránh cho con gặp phải những vấn đề mẹ đã gặp phải, và được học sớm hơn một số kỹ năng trong cuộc sống như tự lập, tự khám phá bản thân và biết quản lý tiền bạc, hiểu biết về giá trị của đồng tiền. Trên hết, con được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình mình là sự tử tế trong cuộc sống và tình yêu thương lẫn sau giữa các thế hệ. Tuy nhiên, tình yêu thương trong quan niệm của ông bà ngoại và bố mẹ có chút khác nhau. Bố mẹ thương yêu người khác theo cách mà người khác mong muốn. Còn ông bà thương yêu người khác theo cách mà ông bà mong muốn. Vì thế, con phải hiểu ông bà, khi con lớn lên, mẹ cần con hiểu, vì khi con người ta hiểu nhau, người ta sẽ biết cách ứng xử phù hợp để làm người khác hạnh phúc. Ông bà đã sống cả một thế hệ rất dài, chúng ta không thể làm thay đổi ông bà, mà chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách bao dung để làm ông bà hài lòng. Hai sự khác biệt lớn đó, khi con lớn lên, hẳn con sẽ rất lúng túng, đặc biệt, khi con sống trong môi trường phương Tây, nhưng mẹ sẽ giúp con.

Và dù con sống ở bất cứ nơi đâu, thì con phải luôn nhớ những ngày tháng này, nếu không có ông bà, con sẽ không có được sự lớn khôn, khỏe mạnh và thông minh biết nhiều thứ như bây giờ. Con là đứa trẻ may mắn và hạnh phúc nhất thế gian này khi được sinh ra trong một gia đình có tầng tầng lớp lớp sự thương yêu bao bọc lấy con lúc này. Bố mẹ mới xây dựng gia đình và phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, gia đình mình không giầu có, con phải luôn nhớ điều đó. Cũng như ông bà, bố mẹ cũng đang vất vả để xây dựng sự nghiệp, tích lũy cho tương lai cuộc sống của cả gia đình. Trong giai đoạn này, nếu như không có ông bà chăm sóc và giúp đỡ, hẳn bố không thể yên tâm đi công tác xa, hẳn mẹ không thể yên lòng để tập trung vào các mục tiêu trong cuộc sống của mẹ. Con có 15 tháng, con hẳn sẽ không nhớ, nhưng mẹ thì rất nhớ và mẹ sẽ dạy con không quên ơn ông bà sau này khi con lớn khôn.

Trở lại câu chuyện ở bên trên, cá nhân mẹ, khi gặp, quen và yêu bố con, mẹ chỉ có một ước mơ lớn lao nhất là có một gia đình hạnh phúc, chỉ có điều đó mới là bệ phóng cho các ước mơ khác của mẹ. Nên dù thế nào, thì gia đình và con vẫn là những điều quan trọng nhất đối với mẹ. Nhiều khi mọi người hay nói về những câu chuyện làm thế nào để trở thành tỉ phú, làm thế nào để nổi tiếng, làm thế nào để thật giầu sang...Câu chuyện của mẹ thì luôn là: làm thế nào để có 3 tỉ, vừa có thời gian dành cho gia đình con cái, vừa có thời gian học ngoại ngữ và đi du lịch nước ngoài cùng gia đình. 

Riêng vụ 3 tỉ, mẹ không biết phải làm thế nào. Để mẹ nghĩ cách, làm sao vừa có 3 tỉ lại vừa không phải ân hận vì mình phải trả một cái giá khác cho việc không dành thời gian cho gia đình, con cái và những sở thích cá nhân khác.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Tối nào cũng thế



Lấy tạm một cái ảnh mùa đông để minh họa sự nghịch của con. Mẹ cần phải gửi một số yêu cầu, ý tưởng để papa làm website cho con, để mục nào phân ra mục đấy, up lại toàn bộ ảnh từ hồi con mới sinh.


Bà là người ở với con cả ngày, nhiều khi mẹ không thể hình dung làm thế nào bà vừa trông được con vừa cơm nước dọn dẹp. Bởi vì khi bố vắng nhà, mẹ mới biết chỉ có một mình con với mẹ sẽ như thế nào. 


Tối hôm kia, khi mẹ chuẩn bị đóng bỉm cho con để đi ngủ thì con cứ đưa sách đòi mẹ đọc. Và thế là khi mẹ đọc sách còn tè ra giường luôn. Làm thế nào để là khô đệm bây giờ, khi con sẵn sàng nhảy vào đòi nghịch cái bàn là, thứ mà con rất thích vì trông nó lạ. (Khi có papa ở nhà thì 1 người sẽ đánh lạc hướng con để làm việc đó.) Mẹ đặt con ngồi dưới đệm trên sàn nhà, bày sách cho con quay ra phía cửa ban công, không nhìn thấy giường, xem rồi giả vờ mẹ sang phòng khác, sau đó quay lại trèo lên giường lặng lẽ làm khô bãi nước tè của con. Con ngồi một lúc không thấy mẹ, con gọi mẹ ơi (tất nhiên chưa sõi chữ mẹ), mẹ không nói gì, con gọi vài câu nữa, giọng to hơn. Mẹ đành bảo, mẹ đây, mẹ đây. Con quay lại nhìn thấy mẹ đang là trên giường, sướng quá, lại nhảy tưng tưng lên, đòi bò lên giường sờ vào cái bàn là. Lại phài đặt con ở tít xa, tranh thủ khi con chạy lại thì cố gắng là nhanh cho xong.


Vật lộn một hồi mẹ lại muốn vào nhà vệ sinh. Không dám đóng cửa để con ở ngoài vì con sẽ sợ hoặc nghịch ngợm các đồ điện trong nhà. Thế là chỉ cho con ra nghịch tủ quần áo, nghịch tủ sách của bố mẹ, trong không gian mẹ có thể nhìn ngắm được con. Khốn nỗi, con chỉ thích xông vào phòng tắm, ngột bệt xuống sàn, xoa tay xuống sàn. Mẹ bó tay nhìn con nghịch. Sau đó lại phải lột con ra tắm lại một lượt. Con sung sướng cười như nắc nẻ với trò nghịch nước của con. Tất nhiên là mẹ cũng bị ướt sũng. Còn mẹ thì không có gì để nói vì lúc đó đã quá giờ đi ngủ của con rất lâu rồi, sau 2 sự vụ vật lộn với con.


Tối qua mẹ phơi quần áo. Con chạy ra giúp mẹ. Nói là giúp chứ mẹ biết thừa con thích vứt đồ ra khỏi chậu quần áo của mẹ. Mẹ chuẩn bị 1 đống mắc áo to để xa xa cái chậu đồ, rồi bảo con mang vào đây cho mẹ. Con chạy ra lấy 1 chiếc mắc áo đưa cho mẹ. Mẹ bảo "mẹ xin", con cũng bảo "xin". Mẹ bảo con ra lấy "nữa", con bảo "nữa" rồi chạy lon ton lấy thêm 1 chiếc nữa đưa vào cho mẹ. Mỗi lượt chạy của con mẹ kịp thời gian treo xong 1 cái áo. Vì nếu không kịp con sẽ xông ra ngoài ban công hoặc vứt hết quần áo ra khỏi chậu của mẹ. Con rất chăm chỉ, cứ xin, nữa rồi chạy đi lấy mắc cho mẹ, hai mẹ con phối hợp nhịp nhàng. Được một lúc con phát hiện ra rằng con có thể cầm 2 chiếc một lúc. Thế là con mang 2 chiếc liền làm mẹ phơi không kịp, nếu mẹ để mắc áo ở chậu con bắt mẹ cầm lên bằng được. Loáng một cái con đã lấy đầy mắc và chậu vẫn còn đầy quần áo mẹ chưa phơi kịp. Cuối cùng con có thời gian để chơi trò con thích, đúng như mẹ dự đoán, vứt hết quần áo của mẹ ra đất. Vật lộn với con một lúc mẹ cũng treo được quần áo lên. Còn con thì ngồi phệt xuống sàn rồi mấy lần lấn sân, thò chân ra ngoài khu vực cửa, nên mẹ lại phải ôm con vào nhà tắm. Như thường lệ, mẹ lại bị ướt như chuột.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Chuyện của ngày hôm nay

Nếu như không viết cho con bây giờ, có thể ngày mai mẹ sẽ lại bận mất. Mẹ thật nhiều việc nhưng mẹ đã bắt đầu thấy vui vì thông qua công việc mẹ có nhiều chuyện để kể với con hơn, hơn là khi mẹ chẳng thể làm được việc gì ra hồn thì mẹ cảm thấy buồn ghê gớm. Khi mẹ làm được nhiều việc thì mẹ thấy vui, và khi vui mẹ cảm thấy rất khỏe. Chẳng hề thấy mỏi mệt như khi mẹ chẳng làm gì. Con thấy không, sức mạnh về tinh thần đôi khi có thể điều khiển được cả sức mạnh về thể chất đấy. Mẹ thấy thế, rất nhiều lần rồi, khi mẹ cố gắng thì mẹ luôn cảm thấy mình rất khỏe.


Đêm hôm qua, cũng như mấy hôm trước, vì con đang bị rôm nên mẹ không đóng bỉm cho con vào buổi tối. Bây giờ hầu như con không cần phải đóng bỉm vì con pee pee và caca rất đúng giờ giấc và biết ngồi bô. Có những đêm mùa hè con ra nhiều mồ hôi thì cả đêm con không pee pee lần nào. (Những đêm đó mẹ được ngủ rất ngon, thường thì 1 đêm mẹ phải dậy thay bỉm cho con 2 đến 3 lần vì đêm con ti mẹ cũng chừng đấy lần. Con rất sạch sẽ, chỉ cần pee pee là ngay sau đó mẹ phải thay ngay nếu ko con sẽ không ngủ tiếp được) Những khi có papa ở nhà papa sẽ thay bỉm cho con, hoặc giúp mẹ là khô đệm mỗi khi con tè ướt đệm, trong những hôm mẹ buồn ngủ và ngủ quên ngay sau khi tháo bỉm cho con. Quay trở lại chuyện của đêm mấy hôm trước, con tè ướt 1 bãi ra đệm và vì buồn ngủ quá nên mẹ lôi con sang giường khác ngủ, không cả buồn là khô đệm nữa. Đêm qua con pee pee 3 lần, làm mẹ hết ngủ luôn. Chả ngủ được mẹ mò lên mạng thấy papa viết trong blog của 2 bố mẹ rất tha thiết làm mẹ thật là trăn trở.


Bây giờ mẹ đang ngồi viết cho con trong khi chờ papa đi làm về, để có thể ngồi trò chuyện được với mẹ. Mẹ đã đóng bỉm cho con cẩn thận rồi và từ giờ thì con sẽ không được "thả rông" nữa vì nếu như đêm qua chắc mẹ sẽ không đủ sức để làm việc trong những ngày tiếp theo.


Đêm qua mẹ đọc trên webtretho có khuyên các bà mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con, dù ít dù nhiều, nhưng phải bỏ hết suy nghĩ về công việc để nói chuyện với con. Bình thường khi đón con ở nhà bà mẹ hay ôm con vào lòng, cho con ti, và hỏi hôm nay con ngoan không, con ăn gì, con học những gì, papa đâu rồi...Thường thì bà sẽ thay con trả lời các câu hỏi đấy. Nhưng hôm nay bà bị ốm, mẹ đưa con về nhà, hát cho con nghe và trò chuyện với con, mẹ chăm chú với con hơn mọi ngày nhờ đọc bài báo kia, dù mọi ngày mẹ vẫn hát cho con nghe. Đương nhiên là mẹ hát và trò chuyện với con khi cho con ti. Vì khi nhìn thấy mẹ, con chỉ luôn đòi ti mà thôi. Lúc mẹ đi làm về con cười như nắc nẻ và ngay sau đó con kêu ti ti và dụi vào lòng mẹ. (Ở nhà con luôn bắt ông bế, luôn bắt bà đọc sách, luôn bắt mẹ cho ti, luôn bắt papa cho đứng lên bám vào song cửa sổ nhìn lên trời, với mội người, con có một tình cảm gắn bó đặc biệt)


Khi hát mẹ nhìn vào mắt con, mẹ hát bài Quê hương vì mẹ thật thích giai điệu của bài hát, con tròn xoe mắt nhìn mẹ, bởi đương nhiên là giọng mẹ rất biểu cảm và tha thiết. Sau đó như thường lệ mẹ sẽ hát bài Chỉ có một trên đời, bài Hãy yêu nhau đi, bài Đêm thành phố đầy sao....Sau đó mẹ vẫn hỏi con các câu hỏi con có ngoan không, con ăn gì, papa đâu, con nhớ papa không. Con ngừng ti chi lên ảnh cưới của bố mẹ treo trên tường nói papa, tác (tức là đi công tác) rồi lại cắm mặt vào ti tiếp. Khi con ti mẹ thường nựng con "Yêu ơi là yêu, thương ơi là thương", rồi mẹ nói con đưa tay xinh mẹ thơm nào, rồi đến con đưa chân xinh mẹ thơm nào. Mẹ thơm hết 5 ngón chân, năm ngón tay của con. Rồi mẹ vỗ mông con, mẹ xoa lưng cho con. Cho đến khi con ti mõm ra rồi, con nhả ti ra, và con lăn quay ra ngủ, thì khi đó mẹ mới bắt đầu quay trở lại thế giới của mẹ, đọc sách, hoặc chát chít, hoặc đọc blog, hoặc viết tiểu thuyết, hoặc làm việc....


Sáng nay, khi mẹ mặc một chiếc váy đẹp, diện 1 đôi giầy cao gót đi làm, thì con khóc đòi mẹ. Thường thì mẹ rất ít khi chải chuốt mà mẹ chỉ ăn mặc lịch sự vừa đủ. (Hôm nay mẹ có việc phải dẫn chương trình buổi tối nên mẹ ăn mặc diện hơn hằng ngày). Nếu mẹ son phấn, ăn diện trước khi ra khỏi nhà, mẹ sẽ không thể thơm con vì phấn sẽ làm con bị dị ứng. Tiếng khóc đòi mẹ của con sẽ làm sự ăn diện của mẹ trở nên lố bịch. Nên sáng nào mẹ cũng chỉ kịp cho con ti no, rồi vội vàng mặc quần áo lịch sự vừa đủ để đi làm. Trên đường đi làm mẹ nghĩ đến bà ngoại. Mẹ nhớ hồi mẹ học năm lớp 9 thì thấy bà ngoại bắt đầu trang điểm khi đi làm. Mẹ đã giấu son phấn của bà ngoại đi làm bà ngoại cáu mắng cho mẹ một trận. Khi đó mẹ thấy bà ngoại sao lại khác mọi khi. Mãi sau mẹ mới hiểu rằng bà ngoại cũng phải hy sinh rất nhiều vì con cái, bà ngoaij tuổi thanh xuân không có điều kiện để điểm tô sắc đẹp. Thế mà mẹ đã từng ấu trĩ và ích kỷ như thế đấy con ạ.


Thật ra niềm vui của mẹ bắt nguồn từ việc mẹ bắt đầu viết tiểu thuyết và học tiếng Pháp trở lại. Bởi vì nếu không như thế mẹ sẽ thấy cuộc đời mẹ nhàm chán và nhạt nhẽo. Dường như mẹ không thể kìm nén hai mong muốn đó, mẹ không thể để công việc kinh doanh kìm hãm nguồn cảm xúc đó lại. Việc kìm hãm những điều mình mong muốn chỉ làm mình mất thời gian hoài nghi hoặc suy nghĩ quá nhiều về bản thân mình.


Mẹ rất yêu tiếng Pháp nhưng vì công việc bận rộn quá khiến mẹ phải bị gián đoạn mất mấy lần, mà nguyên nhân lớn nhất là mẹ phải chuyển Lollybooks về Thái  Hà nên mẹ không có thời gian rảnh rỗi mà học hành nữa. Dường như mẹ muốn chinh phục đỉnh cao mới, ngoài cái mẹ đang phải duy trì, và dường như mẹ thật quyết tâm đến thăm bố càng sớm càng tốt. Lâu rồi, mẹ không có hứng thú phải thể hiện bản thân mình, nên mẹ chẳng làm gì cả. Viết tiểu thuyết và học lại tiếng Pháp làm cho mẹ có thêm động lực mới, từ đó tác động trở lại những việc mẹ phải duy trì thường ngày. Không biết nữa, mẹ rất giống con, hoặc là con rất giống mẹ, đấy là chúng ta luôn có xu hướng khám phá hoặc học hỏi những điều mới lạ. Khi có niềm vui và hứng thú với cuộc sống, mẹ sẽ giải quyết các công việc khác đầy hứng khởi hơn. Chúng ta sẽ không nói về nỗi nhớ papa. Vì mẹ muốn giữ riêng nó trong phần blog của bố mẹ, còn con sẽ giữ riêng theo cách của con vì mẹ cũng không thể hiểu được trong lòng con đang nhớ papa bằng nỗi nhớ như thế nào.


Mẹ muốn viết thật nhiều câu chuyện kể về ngày hôm nay của mẹ nhưng papa đã đi làm về rồi và mẹ sẽ chát với papa một lúc. Ngày mai, khi có thời gian, mẹ sẽ lại viết cho con để khi lớn lên, con sẽ đọc được những gì mẹ tâm sự với con. Mẹ thấy thật thích cái trò viết lách kiểu này, nó làm tâm hồn mẹ giống như một dòng nước chảy, trong vắt, không phải là chiếc ao tù, đọng lại những suy nghĩ mỏi mệt, thiếu trong sáng và lạc quan về cuộc sống tươi đẹp này.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Em Bi đã biết nói rất nhiều





Hôm nay em Bi đã được 15 tháng rưỡi.


Khi thức giấc, mẹ hỏi Papa đâu, em Bi trườn xuống khỏi giường rồi chạy vào nhà tắm tìm bố. Thi thoảng bố hay gọi điện hoặc chát qua webcam nhưng thực sự em chưa biết đó là bố. Chỉ nếu đưa ảnh cho em xem thì em sẽ nói "papa". Nếu bảo papa đi máy bay rồi em sẽ nói "ù ù ù", tức là máy bay kêu ù ù.


Em Bi đã nói được rất nhiều từ, cụ, papa, ông, bà, Tú là nói rất rõ rồi, riêng mẹ thì mới gọi được "ẹ". Tất cả các từ trong sách về cây cối, động vật, xe cộ, chân tay mặt mũi là em đã nói được hết. Không những thế em còn chỉ rõ đâu là đầu, đâu là tóc, quần, áo... trên cơ thể em.


Ngoài ra em rất hay nói ngay được các từ mà người lớn nói, dù chỉ là nói vô tình chứ không phải để dậy em. Em rất hiểu các từ mang ý nghĩa chính trong câu. Ví dụ bà bảo "Con Bi ra cho bà tháo cái này ra nào". Em sẽ bảo "Tháo". Sang hàng xóm chơi có có thú nhún ở trong nhà mọi người vô tình nhắc đến bảo đấy là con hươu, một lúc sau khi bọn trẻ con chơi chán, em chỉ vào con thú nhún nói "hươu", tất nhiên từ này khó nên em nói chưa chuẩn.


Em còn hiểu được các câu hỏi kép liên quan đến các đồ vật. Ví dụ: Hỏi em Bi đây là cái gì, em nói "lược". Lược để làm gì, em nói "chải". Hỏi em đây là cái gì, em nói "tô" (tức là ô tô, em chưa nói được 2 từ cùng 1 lúc trừ khi từ đó là từ láy). Ô tô kêu thế nào, em nói "toe toe". Ô tô đi thì kêu thế nào, em nói "zỉn zỉn". Hỏi em đồng hồ trong sách em sẽ chỉ vào hình trong sách, hỏi em đồng hồ của bà em sẽ chỉ vào đồng hồ lên tường. Em còn biết phân biệt được phòng của cụ thì ở trong phòng nhỏ (thỉnh thoảng cụ hay đến nhà ông bà chơi), còn nếu nói cúng cụ em sẽ chỉ lên bàn thờ.


Sáng nay mẹ đưa em xuống bà rồi mẹ bảo mẹ đi về nhé. Em bắt đầu biết nói từ đôi "đi về".


Bây giờ em phớt lờ tất cả các loại đồ chơi trừ sách và ô tô. Còn lại các loại khác em chẳng hứng thú. Em chỉ hứng thú mở tủ lạnh, tủ gạo, tủ quần áo, các loại lò nướng...(Nói chung là rất nguy hiểm nên lúc nào cũng phải canh chừng em. Kể cả để ghế chặn, dù là ghê rất nặng em cũng lôi ghế ra). Em có đến ba giỏ sách rất to toàn sách của ông bà nội và của mẹ mua cho em. Cứ sáng ra là em ngồi đọc sách và mẹ lại mở nhạc không lời cho em. Mẹ không mở các loại đĩa hình vì em chưa được phép xem ti vi. Tuy nhiên mẹ đang hơi chán vì ở miền bắc không có băng đĩa nào hay cho trẻ con. Đi ra ngoài cửa hàng thì toàn băng đĩa của miền nam hoặc đồ rê mí. Mẹ toàn phải mở đĩa của bà nội gửi sang, hoặc mở tạm một số loại nhạc của mẹ.


Mẹ đang bảo bố gửi về cho em Bi một ít đĩa nhạc dành cho em.